Làm thiện hạnh với lời nói thô ác đọa làm ngã quỷ
Đại Trí luận viết rằng có loài ngã quỷ, kiếp trước ác khẩu, thích dùng những lời thô tục đối với chúng sinh, bị chúng sinh ghét, coi như kẻ thù. Do các tội đó phải đọa vào trong loài ngã quỷ. (Luận này có một trăm quyển là tác phẩm của Long Thọ Bồ Tát chú thích Kinh Đại phẩm Bát Nhã).
An Thế Cao ở Lạc Dương
Người bạn đồng tu đọa làm ngã quỷ
Thời Hán, Pháp An Thanh, tự là Thế Cao ở Lạc Dương vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức ở vùng Nam Thiên Trúc. Pháp sư từ nhỏ nổi tiếng là người hiếu hạnh, chí nghiệp thông mãn, quyết chí hiếu học, sách vở ở nước ngoài, cùng thất diệu ngũ hành, y phương di thuật, thậm chí ngôn ngữ của loài cầm thú thảy đều thông hiểu. Có lần trên đường đi thấy đàn chim yến, bỗng bảo bạn rằng: “Chim nói sắp sửa có người mang biếu thức ăn!”. Lát sau quả nhiên có người mang tới, mọi người đều lấy làm lạ. Do có tiếng tăm tài giỏi kỳ lạ sớm đã đồn vang miền Tây Vực. Cao thấu hết lý, tính. Tự biết được duyên nghiệp xưa, có nhiều sự tích thần dị, người đời không thể lường được.
Cao tự xưng kiếp trước đã từng xuất gia, có một bạn học tính hay giận dữ, nói lời thô ác. Khi đi khất thực nếu gặp thí chủ không vừa ý thường hay oán hận. Cao đã nhiều lần khuyên răn nhưng rốt cuộc vẫn không sửa đổi. Cứ như vậy suốt 20 năm, Cao bèn từ biệt bạn và nói: “Tôi phải đi Quảng Châu để trả cho xong nghiệp báo kiếp trước. Ông hiểu rõ kinh nghĩa, tinh tiến cần tu chẳng kém gì tôi, những tính hay giận dữ. Sau khi mệnh chung sẽ phải thụ báo thành hình xấu xí. Nếu tôi có sức nhất định chúng tôi sẽ độ cho”.
Thế rồi Cao tới Quảng Châu gặp đúng lúc giặc giã làm loạn, trên đường gặp một gã trẻ tuổi hung hăng tuốt dao ra nói: “Bắt được đúng người đây rồi”. Cao cười nói: “Kiếp trước tôi phụ anh, nên từ xa đến đây để đền anh. Vì anh giận giữ nên cùng là cái ý như thuở kiếp trước đây”. Nói đoạn định vươn cổ ra chịu chém, vẻ mặt không hề sợ hãi, tên giặc bèn giết Cao. Người xem đầy đường, không ai là không kinh hãi vì thấy chuyện kỳ lạ, còn thần thức của Cao lại trở về làm thái tử của vua nước An Tức, tức là thân thế của Cao ngày nay.
Cao sang du lịch hóa độ cho Trung Quốc, hoằng truyền kinh kệ xong xuôi, cuối đời Linh Đế gặp lúc miền quan Lạc bị loạn lạc, Cao bèn cầm thiền trượng đi xuống Giang Nam và nói: “Tôi sẽ qua Lư Sơn để độ cho bạn học ngày xưa”. Lúc đi tới miếu ở hồ Cộng đình, miếu này vốn rất thiêng, những người buôn bán hoặc hành khách đến cầu đảo thì đều rẽ gió cho gió lên hoặc xuống dưới, khiến cho không ai bị trở ngại ngừng trệ. Cao và hơn hai mươi người cùng đi và chủ thuyền mang lễ vật đến cầu phúc. Thần bèn phán rằng: “Trong thuyền có vị Sa Môn, hãy đi mời lên đây”. Hành khách đều kinh ngạc, thỉnh Cao vào miếu. Thần bảo Cao rằng: “Tôi cùng ông đều xuất gia tu học đạo ở nước ngoài, tôi hay bố thí nhưng tính hay giận dữ, nói lời thô ác nay làm thần miếu Cộng Đình, trong vòng ngàn dặm đều do tôi cai quản, châu báu nhiều. Vì hay giận dữ nên phải thụ báo bị đọa làm thân này. Nay gặp bạn học vừa buồn vừa mừng có thể nói ra hết được: thọ mệnh của tôi sẽ hết trong sớm tối nhưng hình dáng xấu xí của tôi to lớn, nếu bỏ mạng ở đây e rằng sẽ làm ô uế sông hồ, cho nên tôi sẽ vượt sang cái đầm ở phía Tây núi. Thân này diệt rồi sợ sẽ bị đọa xuống địa ngục. Tôi có một ngàn tấm lụa cùng nhiều vật báu, có thể đem đi lập pháp xây tháp để cho tôi được tái sinh vào chỗ tốt lành”.
Cao nói: “Vốn đến để độ cho nhau, sao ông không hiện hình lên!”. Thần nói: “Hình dáng của tôi rất xấu ắt làm cho mọi người hoảng sợ!”. Cao nói: “Cứ hiện hình lên, mọi người sẽ chẳng ngạc nhiên đâu!”. Thần bèn từ sau giường thờ ló đầu ra, té ra là một con trăn lớn, không biết đuôi dài ngắn thế nào, thần tới bên gối Cao, Cao dùng tiếng Phạn nói chuyện với thần mấy phen rồi tụng kinh kệ. Trăn ta buồn thương nước mắt như mưa, lát sau biến mất. Cao lấy lụa là, bảo vật từ biệt ra đi. Bạn chèo giương buồm chỉ một loáng đã tới Dụ Chương, liền dùng các vật đem từ miếu thần tới để xây chùa Đông. Sau khi Cao đi rồi, thần liền mệnh chung. Đến tối, có một chàng trai trẻ tuổi lên thuyền, quỳ dài trước Cao, nhận lời chức nguyện của Cao rồi bỗng biến mất. Cao bảo người trong thuyền: “Chàng trai trẻ vừa rồi là thần miếu Cộng Đình đấy! Thần đó đã trút được lốt xấu rồi!”. Thế là thần miếu cũng biến chẳng còn linh nghiệm nữa. Sau người ta thấy ở trong đầm ở phía Tây núi có một con trăn chết, đầu đuôi dài đến mấy dặm, nay chính là Xà thôn ở quận Tầm Dương. Cao sau đó lại tới Quảng Châu, tìm đến chỗ gã thiếu niên đã hại mình kiếp trước, lúc này hắn vẫn còn sống.
Cao đi đến nhà hắn, thuật lại cái việc trả nợ trước kia, đồng thời kể lại túc duyên cùng nhau hoan hỷ. Cao nói: “Tôi còn phải chịu một quả báo nữa, nay phải đến Cối Kê để trả cho hết”. Người khách Quảng Châu kia biết Cao chẳng phải là bậc tầm thường, trong lòng bừng tỉnh ngộ, ăn năn về tội lỗi trước bèn cúng dâng Cao rất hậu hỹ, rồi theo Cao Đông du. Cuối cùng đến đất Cối Kê vào chợ, gặp đúng lúc trong chợ có đám đánh nhau, đánh lầm đầu Cao, lập tức chết tươi. Người khách Quảng Châu được chứng nghiệm hai lần quả báo, bèn cầu kinh Phật pháp thuật lại tường tận sự duyên xa gần nghe tin thảy đều là buồn thương than thở.
Việc này chứng tỏ thuyết về ba đời là có bằng chứng.
Nguyên chú: Truyện này có xuất xứ từ Lương Cao tăng truyện.
- 631
Viết bình luận